1. Quy định chung năng lực hoạt động xây dựng
Cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng thuộc các lĩnh vực sau thì phải có chứng chỉ hành nghề: Khảo sát xây dựng; Thiết kế quy hoạch xây dựng; Thiết kế xây dựng công trình; Giám sát thi công xây dựng; Kiểm định xây dựng và định giá xây dựng.
Đối với tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng ở các lĩnh vực sau phải có chứng chỉ năng lực: Khảo sát xây dựng; lập quy hoạch xây dựng; lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng; quản lý dự án; thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng; kiểm định và quản lý, thẩm tra chi phí đầu tư xây dựng.
Theo Thông tư 17/2016, việc sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm với 15 câu kiến thức chuyên môn (chiếm 60 điểm) và 10 câu về kiến thức pháp luật liên quan (40 điểm). Thời gian làm bài tối đa là 30 phút, tổng điểm bài thi là 100 điểm.
Cục Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng là các cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ năng lực. Ngoài ra, tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến hoạt động xây dựng có phạm vi hoạt động trong cả nước được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III cho cá nhân là thành viên của mình khi đáp ứng các yêu cầu của Thông tư số 17/TT-BXD.
2. Cấp chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng
Thông tư 17 quy định hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề và cấp chứng chỉ năng lực xây dựng gồm có một số giấy tờ như:
- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ;
- Tệp tin chứa ảnh màu chụp từ bản chính các giấy tờ sau: Văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn; bản khai kinh nghiệm có xác nhận về nơi làm việc; hợp đồng hoạt động xây dựng (đối với cấp chứng chỉ hành nghề).
- Tệp tin chứa ảnh màu chụp từ bản chính các giấy tờ sau: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập tổ chức; bản quy trình quản lý thực hiện công việc; hệ thống quản lý chất lượng; Bản danh sách các cá nhân chủ chốt, nhân viên, công nhân kỹ thuật; Bản kê khai năng lực tài chính (đối với cấp chứng chỉ năng lực).
Ngoài ra, Thông tư 17/2016/BXD còn hướng dẫn việc cấp chứng chỉ hành nghề cho cá nhân là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ năng lực, nếu thuộc các trường hợp sau đây thì sẽ được cấp lại, điều chỉnh, bổ sung: Chứng chỉ cũ hết hạn sử dụng, điều chỉnh, bổ sung nội dung hành nghề (nội dung hoạt động), chứng chỉ cũ bị rách, nát hoặc chứng chỉ bị thất lạc.
Thông tư 17/2016/BXD còn quy định việc đăng tải thông tin về năng lực và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hoạt động xây dựng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2016. Riêng quy định tại Khoản 1 Điều 31 Thông tư này có hiệu lực từ ngày Thông tư được ban hành.
Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các quy định tại các Thông tư: Thông tư số 12/2009/TT-BXD ngày 24 tháng 6 năm 2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; Thông tư số 05/2010/TT-BXD ngày 26 tháng 5 năm 2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng và cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng; Thông tư số 22/2009/TT-BXD ngày 06 tháng 7 năm 2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết về điều kiện năng lực trong hoạt động xây dựng; Thông tư số 25/2009/TT-BXD ngày 29 tháng 7 năm 2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và giám sát thi công xây dựng công trình và Thông tư số 11/2014/TT-BXD ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Bộ Xây dựng quy định công khai thông tin về năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng công trình hết hiệu lực thi hành.
Nguồn: boxaydung.gov.vn