Quản lý xây dựng: Siết chặt ngay từ khâu đầu tiên
31-3-2014
      Trong năm 2013, Sở Xây dựng tỉnh đã thẩm tra hồ sơ thiết kế, thẩm định dự toán tổng số 15 công trình và phát hiện, tiết kiệm được chi phí trong đầu tư xây dựng khoảng 08-09% tổng dự toán công trình...
Quản lý xây dựng: Siết chặt ngay từ khâu đầu tiên
CT
      Nghị định 15/NĐ-CP của Chính phủ ngày 6/2/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng chính thức có hiệu lực từ ngày 15/4/2013.
 
      NĐ15 quy định rõ: các công trình có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đều phải qua thẩm định, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước (cụ thể là ngành Xây dựng) nhằm siết chặt công tác quản lý xây dựng, đảm bảo chất lượng và hạn chế việc thất thoát vốn của Nhà nước.  
 
      Trước đây khi chưa có NĐ 15, tất cả các khâu đều được giao cho chủ đầu tư, từ khâu lập dự án khảo sát thiết kế, thuê thẩm định, đến quản lý xây dựng…, nên việc quản lý đôi lúc bị buông lỏng. Tuy nhiên, từ khi có NĐ 15, công tác quản lý được siết chặt hơn, nhất là đối với các công trình đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước.
 
  Các công trình có vốn đầu tư từ NSNN sẽ được quản lý chặt ngay từ bước đầu
 
      Triển khai thực hiện NĐ 15, trong năm qua, Sở Xây dựng đã tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, trọng tâm là quản lý chất lượng công trình và chi phí xây dựng. Thông qua công tác thẩm tra thiết kế, dự toán công trình đã góp phần nâng cao chất lượng công trình và tiết kiệm chi phí trong xây dựng.
 
      Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Hoàng Liên Sơn- Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: năm qua, triển khai theo NĐ 15, ngành Xây dựng tỉnh đã thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về xây dựng, đảm bảo đúng quy hoạch, chất lượng các công trình xây dựng. Sở đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn thường xuyên kiểm tra, thanh tra các dự án đầu tư, các công trình xây dựng cơ bản, tăng cường quản lý chất lượng xây dựng, chất lượng quy hoạch; định kỳ và đột xuất kiểm tra điều kiện, năng lực hoạt động xây dựng của các doanh nghiệp và việc tuân thủ các quy định của nhà nước về chất lượng công trình xây dựng. Do đó, đã hạn chế được thất thoát, lãng phí tiền của nhà nước, bảo đảm được chất lượng công trình... Trong năm qua, sở đã thẩm tra hồ sơ thiết kế, thẩm định dự toán tổng số 15 công trình và đã phát hiện, tiết kiệm được chi phí trong đầu tư xây dựng khoảng 08- 09% tổng dự toán công trình.   
 
      Thực tế, trên cả nước nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng cũng đã có công trình không đảm bảo chất lượng, xảy ra sự cố gây hậu quả khá nghiêm trọng. Vì vậy, trong xây dựng, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý chất lượng công trình có vai trò rất quan trọng. Thời gian tới, ngành Xây dựng tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò quản lý nhà nước, nhất là trong công tác quản lý xây dựng, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH, làm thay đổi bộ mặt đô thị từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh…

 

Nguồn: Báo kon tum.

 

  
Số lượt xem:1471